Image

Phục hình răng là gì? Các kỹ thuật và khi nào cần phục hình?

Phục hình răng là gì?

Phục hình răng là quá trình khôi phục lại hình dáng răng tổn thương nhằm tái tạo thẩm mỹ và chức năng ăn nhai. Kỹ thuật này giúp khắc phục các khuyết điểm, mang lại hình dáng và màu sắc như ban đầu và cải thiện được sức khỏe của răng.

Phục hình răng là gì?
Răng được khôi phục về hình thể, màu sắc và chức năng ăn nhai

Các trường hợp cần phục hình răng

1. Phục hình răng do mất răng

Khi bị mất 1 hoặc nhiều răng hoặc mất răng toàn hàm, người bệnh phải phục hồi răng. Có nhiều lựa chọn để thay thế răng bị mất, bao gồm cầu răng, hàm tháo lắp và trồng răng Implant. Giải pháp thiết thực và tiết kiệm chi phí nhất phụ thuộc vào số lượng răng bị mất, sức khỏe của các răng xung quanh và sức khỏe tổng thể của người bệnh.

2. Răng bị sâu

Sâu răng là nguyên nhân phổ biến cần chú ý để phục hồi răng kịp thời. Khi gặp sâu răng, bác sĩ xử lý bằng điều trị tủy hoặc chữa sâu răng. Đối với răng hư, sứt mẻ, bác sĩ sẽ gợi ý trám răng bằng phương pháp onlay hoặc inlay, hoặc thực hiện chụp mão sứ để bảo vệ và phục hồi lại răng bị tổn thương.

3. Răng bị mòn

Răng bị mòn khi tiếp xúc thường xuyên với axit từ rượu và nước ngọt. Các vấn đề như: trào ngược axit và rối loạn ăn uống cũng gây mòn răng theo thời gian. Nếu không phục hình răng đúng cách, tình trạng mòn có thể làm thay đổi cấu trúc răng miệng và khớp cắn của người bệnh. Tùy thuộc vào mức độ mất men răng, bác sĩ sẽ điều trị bằng phương pháp trám hoặc lắp mão răng.

4. Bệnh về nướu

Bệnh nướu răng (viêm nha chu) có thể ảnh hưởng đến toàn bộ miệng, gây mất răng và tiêu xương hàm. Ở giai đoạn đầu hoàn toàn phục hồi được nếu vệ sinh răng miệng tốt và đến nha sĩ thường xuyên. Tuy nhiên, khi bệnh tiến triển quá nặng cần phẫu thuật, ghép xương hoặc mô và/hoặc tái tạo mô nướu.

Các loại phục hình răng

Để khôi phục hình dáng, màu sắc, tính thẩm mỹ và chức năng ăn nhai của răng, có 2 phương pháp chính: phục hình tháo lắp và phục hình răng cố định. Mỗi phương pháp đều sử dụng các kỹ thuật riêng để đem lại hiệu quả nhất.

1. Phục hình tháo lắp

Với phục hình tháo lắp, bác sĩ sẽ tạo ra một bộ hàm giả thay thế cho răng bị mất. Người bệnh dễ dàng tháo lắp và vệ sinh không cần sự trợ giúp từ bác sĩ. Hiện nay, có 3 loại phục hình răng tháo lắp: hàm nhựa cứng, hàm dẻo và hàm tháo lắp với khung CAD/CAM trên Implant.

Ngoại trừ hàm tháo lắp với khung CAD/CAM trên Implant có chi phí cao. Đa số kỹ thuật này có chi phí thấp, ngăn ngừa tình trạng xô lệch răng, đảm bảo tính thẩm mỹ và thời gian thực hiện nhanh chóng. Tuy nhiên, răng giả tháo lắp có độ bền không cao và không cải thiện được khả năng ăn nhai như phương pháp cố định.

Các loại phục hình răng, phục hình tháo lắp
Phục hình răng tháo lắp giúp tiết kiệm chi phí, dễ dàng vệ sinh, thời gian thực hiện nhanh chóng

2. Phục hình răng cố định

Đây là kỹ thuật cố định bộ hàm giả trên khung hoặc trụ của các răng bên cạnh, đã được mài sẵn để làm nhịp cầu. Người bệnh không cần tháo lắp như hàm nhựa, răng sẽ được giữ cố định trên cung hàm, dễ dàng ăn nhai và không bị lỏng.

Phục hình răng cố định mang lại khả năng thẩm mỹ cao, thiết kế gần giống với răng thật, ôm sát nướu và vừa khít với trụ chân răng. Kỹ thuật còn khôi phục từ 80% – 90% chức năng nhai so với răng thật và vệ sinh răng miệng dễ dàng hơn. Tuổi thọ trung bình của bộ răng cố định dao động từ 15 – 20 năm. Tuy nhiên, chi phí của phương pháp này khá cao, đòi hỏi bác sĩ có trình độ chuyên môn cao.

Các kỹ thuật phục hình răng phổ biến và an toàn

Có nhiều kỹ thuật phục hình răng khác nhau, tùy thuộc vào sức khỏe răng miệng của mỗi người bệnh. Các phương pháp cụ thể như sau:

1. Trám răng

Khi vi khuẩn phá hủy men răng và tạo ra một lỗ, gọi là sâu răng. Những lỗ sâu răng nhỏ được chữa trị bằng cách trám răng. Trong quá trình này, nha sĩ sẽ loại bỏ phần răng bị sâu, sau đó lấp đầy lỗ bằng vật liệu composite có màu răng. Trám răng giúp ngăn sâu răng tiến triển và giảm nguy cơ hư răng. (1, 2, 3)

2. Dán sứ Veneer (mặt dán sứ)

Với phương pháp dán veneer, bác sĩ mài một lớp mỏng ở bên ngoài răng, sau đó gắn mặt sứ veneer sứ lên bề mặt răng để che đi các khiếm khuyết. Dán veneer được sử dụng trong các trường hợp răng nám màu, nứt nhẹ hoặc thưa. Kỹ thuật này tạo ra diện mạo mới cho răng, tăng tính thẩm mỹ, thời gian điều trị nhanh chóng và có độ bền từ 8 – 10 năm, đồng thời bảo toàn tối đa mô răng tự nhiên.

3. Bọc sứ

Bọc sứ sử dụng mão răng sứ (rỗng ruột) để đặt lên cùi răng thật. Thường được áp dụng trong các trường hợp như sâu răng, viêm tủy hoặc nám màu nặng. Răng bọc sứ dù thẩm mỹ và đem lại khả năng nhai thức ăn thuận lợi nhưng phải mài cùi răng – một phương pháp can thiệp có xâm lấn. Nếu bạn bọc răng sứ ở cơ sở không đáng tin cậy, sẽ gây ra nhiều rủi ro và không đảm bảo độ bền cho việc phục hình. (4)

4. Cầu răng sứ

Cầu răng sứ là phương pháp khôi phục răng mất bằng cách sử dụng các răng lân cận làm trụ để hỗ trợ. Vật liệu được làm từ răng toàn sứ hoặc răng sứ kim loại (phổ biến là vật liệu Titan). Cầu răng sứ giúp khôi phục chức năng nhai khá tốt, màu sắc tự nhiên như răng thật, thời gian điều trị ngắn và chi phí tương đối hợp lý. (5)

Tuy nhiên, kỹ thuật này không khắc phục được tình trạng mất xương hàm do mất răng lâu ngày và phụ thuộc vào sức khoẻ nha chu của các răng kế cận. Để làm cầu sứ, cần can thiệp mài răng bên cạnh để làm trụ. Do đó, quyết định thực hiện cầu răng sứ cần được xem xét kỹ lưỡng trước khi thực hiện.

5. Phục hình răng sứ trên Implant

Phục hình lại răng bị mất bằng cách cấy trụ Implant (thường làm từ Titanium) vào xương hàm, sau đó gắn mão sứ lên để tạo thành một chiếc răng hoàn chỉnh với cấu trúc gần giống răng thật (bao gồm chân răng và thân răng). (6)

Mặc dù có chi phí cao, nhưng cấy ghép Implant áp dụng được cho nhiều trường hợp mất răng, khôi phục chức năng nhai gần như răng thật và mang lại tính thẩm mỹ cao. Đặc biệt, không gây xâm lấn cho các răng xung quanh.

kỹ thuật phục hình răng, phục hình răng sứ trên implant
Cấy răng Implant là phương pháp phục hình răng phổ biến nhất hiện nay được nhiều bác sĩ khuyến khích sử dụng

6. Răng giả tháo lắp

Tùy thuộc vào tình trạng mất răng, bác sĩ sẽ thiết kế loại hàm tháo lắp phù hợp cho người bệnh. Phương pháp này không thích hợp cho trường hợp răng bị gãy vỡ, sứt mẻ. Hàm giả được tháo lắp dễ dàng, thuận tiện trong việc vệ sinh hàng ngày. Chải răng 2 lần/ngày và dùng dung dịch vệ sinh răng miệng mỗi ngày để tránh có mùi khó chịu trên răng. (7)

Phục hình răng bằng phương pháp nào tốt nhất?

Hiện nay, có nhiều phương pháp phục hồi răng, người bệnh cần dựa trên tình trạng răng miệng mức độ hư hại của răng, chi phí, và số lượng răng bị tổn thương để chọn ra phương pháp phù hợp nhất. Bác sĩ chuyên khoa Răng Hàm Mặt sẽ đưa ra kế hoạch tốt nhất cho bạn dựa trên tình trạng răng miệng hiện có. Tuy nhiên, tùy vào tình trạng kinh tế, sở thích cũng như sức khỏe tổng quát mà có thể điều chỉnh sao cho hợp lý.

Theo các bác sĩ Răng Hàm Mặt, trong trường hợp sâu răng nặng, mất nhiều răng, phương pháp trồng Implant là lựa chọn tốt nhất để thay thế các răng đã mất. Phục hình răng Implant giúp khôi phục chức năng nhai, hàm răng chắc khỏe và bền bỉ suốt đời.

Bài viết đã giới thiệu các kỹ thuật phục hình răng phổ biến và an toàn nhất hiện nay. Hy vọng thông tin này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về các phương pháp điều trị, từ đó lựa chọn kỹ thuật phù hợp nhất để có một hàm răng đẹp, trắng sáng và đều màu.

Tư vấn

close
  • smart_toy

    Chào bạn 👋
    Tôi có thể giúp gì cho bạn?

send