
Quy tắc FAST đột quỵ: Dấu hiệu F.A.S.T trong tai biến mạch máu não
Dấu hiệu FAST trong tai biến mạch máu não hay đột quỵ não bao gồm những dấu hiệu đột quỵ dễ nhận biết nhất. Bạn có thể nhận ra một người có đang có dấu hiệu đột quỵ hay không thông qua quy tắc FAST.
FAST đột quỵ là gì?
“FAST” là một từ viết tắt được sử dụng để giúp mọi người nhớ và nhận biết nhanh chóng các triệu chứng đột quỵ, giúp tăng cơ hội cứu sống và giảm thiểu biến chứng sau đột quỵ. Việc nhận biết nhanh chóng các triệu chứng của đột quỵ có thể giúp bệnh nhân nhận được điều trị càng sớm càng tốt, giảm thiểu tổn thương cho não.
FAST là viết tắt của: (1)
- F (Face): Khuôn mặt – Yêu cầu người nghi ngờ đột quỵ cười hoặc để lộ răng. Xem khuôn mặt của họ có bị méo mó ở một bên không? Một bên mặt trở nên chảy xệ hoặc mắt bị sụp xuống có thể là dấu hiệu của đột quỵ.
- A (Arms): Cánh tay – Yêu cầu người bệnh giơ cả hai cánh tay lên. Có một cánh tay không thể nâng lên hoặc bị rơi xuống, không thể giơ hai tay lên cao qua khỏi đầu là một trong những dấu hiệu đột quỵ phổ biến nhất.
- S (Speech): Lời nói – Người có dấu hiệu đột quỵ thường khó phát âm một câu đơn giản, ví dụ: “Hôm nay trời đẹp quá”. Người bệnh có thể nói lắp, khó hiểu hoặc họ không thể nói gì cả.
- T (Time): Thời gian – Nếu bạn nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào của đột quỵ, thậm chí chỉ một trong số chúng, cần gọi cấp cứu ngay lập tức. Mỗi phút đối với người bị đột quỵ đều quý giá và việc điều trị sớm có thể giúp giảm thiểu tổn thương ở não và tăng cơ hội phục hồi.

Dấu hiệu FAST trong đột quỵ
Dấu hiệu FAST trong đột quỵ giúp mọi người nhận diện triệu chứng của đột quỵ một cách nhanh chóng, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hành động nhanh chóng khi phát hiện ra các triệu chứng này. (2)
1. F (Face – Khuôn mặt)
Một bên khuôn mặt trở nên chảy xệ hoặc mắt bị sụp xuống. Khi cười, miệng người bệnh có thể méo qua một bên, hai bên mặt trở nên mất cân đối.
2. A (Arms – Cánh tay)
Một hoặc cả hai cánh tay không thể nâng lên qua cao khỏi đầu, nâng thẳng tay hoặc có thể nâng lên nhưng bị rơi xuống ngay lập tức.
3. S (Speech – Lời nói)
Nói lắp, nói khó hiểu hoặc không thể phát âm rõ ràng một từ, không thể nói hết một câu,… là những dấu hiệu đột quỵ. Ngoài ra, việc gặp khó khăn trong việc tìm ra từ ngữ để mô tả suy nghĩ của mình hoặc không thể nói một cách mạch lạc cũng là những dấu hiệu được đề cập trong mục Speech – Lời nói của dấu hiệu FAST trong đột quỵ.
4. T (Time – Thời gian)
Nếu bạn nhận thấy bất kỳ một trong các triệu chứng trên, hoặc toàn bộ các dấu hiệu FAST đột quỵ, bạn cần gọi cấp cứu hoặc đưa người bệnh đến bệnh viện ngay lập tức. Thời gian là yếu tố quan trọng trong việc điều trị đột quỵ. Bệnh nhân càng được điều trị nhanh chóng thì khả năng phục hồi càng cao, giảm thiểu toàn bộ các biến chứng do tổn thương não bộ khi đột quỵ.
Các triệu chứng đột quỵ khác ngoài FAST
Dấu hiệu đột quỵ FAST chỉ là một hướng dẫn cơ bản để nhận diện đột quỵ. Tuy nhiên, người bị đột quỵ có thể có nhiều triệu chứng khác nhau. Ngoài những triệu chứng được mô tả trong từ viết tắt “FAST”, người bị đột quỵ còn có thể có nhiều dấu hiệu và triệu chứng khác. Các triệu chứng này có thể xảy ra đột ngột và thường diễn ra nhanh chóng. Dưới đây là một số triệu chứng đột quỵ phổ biến khác: (3)
- Đau đầu mạnh và đột ngột: Cơn đau đầu do đột quỵ thường không đi kèm với nguyên nhân rõ ràng, đặc biệt là trong trường hợp đột quỵ do xuất huyết não. Cơn đau đầu do đột quỵ thường nghiêm trọng, không thuyên giảm cho dù có sử dụng các loại thuốc giảm đau như panadol hay paracetamol…
- Chóng mặt và mất cân bằng: Cảm giác mất phương hướng, bị mất thăng bằng, chao đảo, chóng mặt hoặc khó khăn trong việc đi lại,… cũng là những dấu hiệu có thể gặp ở người bị đột quỵ.
- Suy giảm thị lực: Đột ngột mất thị giác hoặc mờ mắt ở một hoặc cả hai mắt,… cũng là một dấu hiệu cảnh báo đột quỵ nguy hiểm.
- Cảm giác tê bên một phần cơ thể: Cảm giác tê hoặc yếu ở một bên cơ thể, không chỉ ở cánh tay mà còn có thể ở chân hoặc mặt,… đều là những dấu hiệu có thể gặp ở người bị đột quỵ.
- Khó khăn trong việc nuốt: Người bị đột quỵ có thể có cảm giác như có cái gì đó mắc kẹt trong họng hoặc không thể nuốt thức ăn.
- Mơ hồ, rối loạn nhận thức: Người bị đột quỵ não có biểu hiện mơ hồ, gặp khó khăn trong việc hiểu lời nói của người bên cạnh hoặc nhận biết các vật xung quanh. Đây là tình trạng rối loạn nhận thức thường gặp ở người đột quỵ.
- Rối loạn cảm giác: Một dấu hiệu có thể gặp ở người bị đột quỵ đó chính là người bệnh có cảm giác kỳ lạ như nóng, lạnh, đau rát mà không có nguyên nhân thực sự từ môi trường xung quanh. Chẳng hạn như người bệnh ngồi trong phòng máy lạnh nhưng vẫn cảm thấy nóng.

Mặc dù những triệu chứng trên có thể xuất hiện do nhiều nguyên nhân khác nhau, nếu bạn hoặc ai đó bạn biết có bất kỳ triệu chứng đột ngột nào trên, hãy gọi cấp cứu ngay lập tức. Trong trường hợp của đột quỵ, việc hành động nhanh chóng có thể giúp cứu sống và giảm thiểu hậu quả lâu dài cho bệnh nhân.
Một số quy tắc FAST khác
FAST là một từ viết tắt được sử dụng rộng rãi để nhận biết các triệu chứng đột quỵ. Tuy nhiên, đã có một số biến thể được phát triển dựa trên quy tắc FAST đột quỵ để bổ sung thêm các triệu chứng đột quỵ không phổ biến. Dưới đây là một số biến thể của quy tắc FAST: (4)
1. BE FAST
“BE FAST” là một thuật ngữ mở rộng hơn so với “FAST” để bao gồm thêm các triệu chứng liên quan đến vùng não sau. Trong đó, “BE” dùng để chỉ các dấu hiệu:
- B (Balance): Dấu hiệu người bệnh đột ngột bị mất thăng bằng, chóng mặt hoặc đau đầu dữ dội, gặp khó khăn trong việc đi lại hay phối hợp vận động.
- E (Eyes): Tình trạng người bệnh đột quỵ bị mất thị giác, mờ mắt hoặc mất thị lực đột ngột ở một hoặc cả hai mắt.
2. FASTER
“FASTER” là một biến thể khác của dấu hiệu đột quỵ FAST. Cụm từ này được dùng để mô tả các triệu chứng:
- F (Face – Khuôn mặt): Dùng để chỉ tình trạng chảy xệ hoặc méo ở một bên khuôn mặt, mất cân đối so với bên kia. Yêu cầu người đó mỉm cười để có thể quan sát và đánh giá rõ hơn về dấu hiệu FAST.
- A (Arms – Cánh tay): Dùng để chỉ dấu hiệu một cánh tay yếu hơn hoặc tê hơn cánh tay kia. Có thể yêu cầu người đó giơ cả hai tay lên và giữ chúng đếm đến mười. Nếu một cánh tay rơi xuống hoặc bắt đầu rơi xuống thì đây có thể là dấu hiệu của đột quỵ.
- S (Stability – Sự ổn định, cân bằng): Có nghĩa là sự ổn định, khả năng giữ thăng bằng trên đôi chân của bạn. Đôi khi người có dấu hiệu đột quỵ sẽ bị ngã, cảm thấy rất chóng mặt hoặc không thể đứng dậy nếu không có sự trợ giúp từ người khác. Khó giữ thăng bằng, đi lại khó khăn và mất khả năng phối hợp đều là những triệu chứng đột quỵ có thể xảy ra.
- T (Talking – Nói chuyện, lời nói): Trong dấu hiệu đột quỵ FASTER, T là viết tắt của Talking, dùng để chỉ những thay đổi trong lời nói bao gồm nói lắp, nói những từ ngữ vô nghĩa hoặc không có khả năng phản hồi phù hợp với cuộc hội thoại. Những người bị đột quỵ có thể khó hiểu hoặc họ có thể gặp khó khăn trong việc hiểu người khác. Yêu cầu người đó lặp lại một câu đơn giản như “Hôm nay trời đẹp quá”, “Tôi muốn đi siêu thị để mua thịt bò và 2 bó rau” để xem họ có thể hiểu và nói một câu hoàn chỉnh hay không.
- E (Eyes – Đôi mắt): Chữ E trong FASTER dùng để chỉ những thay đổi về thị giác. Những thay đổi thị giác này xảy ra đột ngột và có thể bao gồm mất thị lực hoàn toàn ở một mắt, nhìn đôi và mất thị lực một phần ở một hoặc cả hai mắt.
- R (React – Phản ứng): Liên hệ ngay với 115 hoặc cơ sở y tế gần nhất nếu bạn nhận ra bất kỳ triệu chứng nào trong số các dấu hiệu kể trên. Hãy gọi điện ngay cả khi các triệu chứng đã biến mất và cố gắng nhớ lại thời điểm các dấu hiệu đột quỵ bắt đầu xuất hiện lần đầu tiên.

Cách xử trí khi gặp người dấu hiệu đột quỵ FAST
Nếu thấy một người đang có dấu hiệu đột quỵ FAST, bạn nên: (5)
- Liên hệ ngay với cơ sở y tế gần nhất: Không nên để người bị đột quỵ ở nhà. Thay vào đó, bạn cần liên hệ với các cơ sở y tế gần nhất để đưa người bệnh đến bệnh viện và được điều trị kịp thời. Tuy nhiên, cần lưu ý đưa người bệnh đến các cơ sở y tế có đầy đủ trang thiết bị để tránh tình trạng người bệnh phải chuyển viện nhiều lần, làm chậm trễ thời gian điều trị.
- Giữ cho người bệnh ở tư thế thoải mái nhất: Hãy giữ bình tĩnh và đảm bảo người bệnh nằm ở tư thế thoải mái và an toàn nhất. Nên dìu người bệnh nằm xuống nghiêng, không để người bệnh đứng hoặc ngồi. Dọn dẹp không gian xung quanh người bệnh để người bệnh có không gian thoáng đãng. Có thể nới lỏng quần áo của người bệnh.
- Không đưa thuốc hoặc đồ ăn: Không nên đưa người đó bất cứ thứ gì để người bệnh ăn hoặc uống, vì có nguy cơ sặc và tràn vào phổi. Đặc biệt lưu ý không cho người bệnh dùng bất kỳ loại thuốc hay phương pháp điều trị nào nếu chưa có chỉ định từ bác sĩ có chuyên môn.
- Cung cấp thông tin: Khi đội ngũ y tế đến, hãy cung cấp tất cả thông tin về những gì bạn đã quan sát được, bao gồm thời điểm bắt đầu có dấu hiệu đột quỵ và bất kỳ thông tin y tế quan trọng nào khác về người bệnh (nếu bạn biết).

Để đặt lịch khám, kiểm tra, tư vấn điều trị đột quỵ, phẫu thuật các bệnh lý thần kinh – sọ não tại Hệ thống PlinkCare, Quý khách vui lòng liên hệ:
Cơn đột quỵ là một tình trạng khẩn cấp y tế và việc đưa người đó đến bệnh viện càng sớm càng tốt là quan trọng nhất. Việc tìm hiểu dấu hiệu FAST đột quỵ sẽ giúp bạn dễ dàng nhận ra các bất thường của người thân xung quanh mình một cách sớm nhất để có hướng xử lý phù hợp.